THAM VẤN TÂM LÝ

The Vietnamese blog of Counseling Psychology

KINH NGHIỆM ÁP DỤNG LIỆU PHÁP TÂM LÝ GIA ĐÌNH (1)

Posted by Ngo Minh Uy trên 18/07/2008

MỘT SỐ KINH NGHIỆM THỰC TẾ
TỪ VIỆC ÁP DỤNG LIỆU PHÁP TÂM LÝ GIA ĐÌNH HỆ THỐNG

Ngô Minh Uy

Năm 2003, khi bắt đầu được tiếp cận với Liệu pháp tâm lý gia đình và can thiệp hệ thống, tôi vừa cảm thấy thích thú đồng thời cũng lo lắng rất nhiều khi hình dung đến một bối cảnh làm việc (trị liệu) mà tất cả các thành viên trong gia đình của thân chủ đều có mặt. Trong bối cảnh đó, nhà trị liệu phải đảm bảo được việc tương tác và quan sát được tất cả những gì đang diễn ra trong các mối quan hệ giữa những thành viên trong gia đình của thân chủ, tìm được cách thức vận hành của hệ thống gia đình đó…

Cũng vào thời điểm này, tôi đang được huấn luyện và giám sát (supervised) tại Phòng tham vấn tâm lý cho Cá nhân và Gia đình IFC (Individual and Family Counseling) bởi Bà Libby Zinman Schwartz, Ed.D., NCC, một chuyên gia tham vấn người Mỹ có nhiều kinh nghiệm làm việc trong môi trường văn hóa Á Châu, đặc biệt là Việt Nam. Tại IFC, trong một số trường hợp mà sự liên quan của những thành viên khác trong gia đình đến những khó khăn của thân chủ là rõ ràng, dưới sự giám sát và hướng dẫn của người huấn luyện, tôi có mời những thành viên trong gia đình đến dự một phiên trị liệu nào đó với tư cách như một người có liên quan trực tiếp đến những khó khăn của thân chủ, sau đó tôi lại tiếp tục với những phiên trị liệu cá nhân. Điều này khác với những gì được học trong khóa trị liệu hệ thống, những phiên trị liệu được thiết kế cho mọi thành viên trong gia đình (những người có thể và tự nguyện đến) và cả gia đình được xem như là một hệ thống đang gặp khó khăn trong tâm lý chứ không tập trung vào một cá nhân người mang các triệu chứng.

Để có thể chủ động hơn trong việc áp dụng và thử nghiệm liệu pháp hệ thống, tôi đã liên hệ để được sử dụng một phòng riêng vào buổi tối tại Trung tâm Tư vấn Tình yêu, Hôn nhân và Gia đình (YCC) số 145 Pasteur, Quận 3, Tp. HCM. Đây là một trong những trung tâm tư vấn về các vấn đề tâm lý, giáo dục, pháp luật và y tế được thành lập đầu tiên tại Tp. HCM cũng như tại Việt Nam. Rất nhiều khách hàng của trung tâm này gặp phải những khó khăn về tâm lý như trầm cảm và lo âu, một số khác phàn nàn về những đứa con, đặc biệt phần đông khách hàng là phụ nữ có liên quan đến việc bị bạo hành trong gia đình. Những chuyên viên tư vấn tại đây đã nhiệt tình giới thiệu cho tôi những thân chủ gặp khó khăn về tâm lý, đặc biệt là những khó khăn đó là xuất phát từ những mối quan hệ trong gia đình.

Phải thật sự nói rằng, có rất ít các trường hợp đã theo đuổi đến cùng cuộc trị liệu, phần lớn trong những trường hợp mà tôi đã làm việc, những thành viên trong gia đình và cả thân chủ nữa đã tự động rút lui sau khoảng 04 phiên trị liệu. Nhiều trường hợp đã trả lời khi tôi liên lạc lại là họ đã tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề của mình, một số khác cho rằng họ quá bận và không thể tiếp tục được. Điều này nhiều lúc làm cho tôi cảm thấy hoang mang và có cảm giác như mình không thể lượng giá được hiệu quả của những gì mình đã làm với thân chủ.

Mặc khác, trong những phiên trị liệu có mặt tất cả các thành viên của gia đình, tôi thường có cảm giác là mình không/ chưa đủ sức để làm việc, điều này gây cho tôi rất nhiều trở ngại trong việc áp dụng liệu pháp hệ thống. Có lẽ những mong đợi và sự tin tưởng quá lớn của chính thân chủ cũng như những thành viên trong gia đình của họ làm cho tôi có một cảm giác nặng nề về tính hiệu quả và trách nhiệm phải chịu.

Sau đây là một số kinh nghiệm cụ thể, nó có thể là những khó khăn, có thể là những thành công hoặc đơn giản chỉ là những vấn đề tôi thường hay gặp phải trong quá trình áp dụng liệu pháp hệ thống vào trong hoạt động trị liệu tâm lý trong thời gian qua (2003 – 2007):

1. Những phiên trị liệu cho cả gia đình
Phần lớn thân chủ tìm đến nhà trị liệu không nghĩ rằng những phiên trị liệu là cần thiết phải có những thành viên khác trong gia đình, dù bản thân người đó nhận thức rằng những khó khăn họ đang gặp phải là có liên quan trực tiếp đến những mối quan hệ trong gia đình. Trong thói quen suy nghĩ lâu nay của người Việt Nam, cả thân chủ và nhà trị liệu, người ta không muốn làm phiền đến người khác, nhất là với những người có mối quan hệ thân quen với mình. Có lẽ từ nhận thức như vậy nên nhiều thân chủ tỏ ra e ngại và lo lắng khi nghĩ đến việc thông tin hay mời những người trong gia đình cùng đến trong những phiên trị liệu. Thân chủ thường có suy nghĩ rằng đó là vấn đề của mình và mình phải tự giải quyết chúng. Trong thực tế, ngay cả việc tìm đến các nhà trị liệu tâm lý khi gặp vấn đề trong cuộc sống đã là một khó khăn và trở ngại lớn cho các thân chủ. Một cách tự nhiên người ta không muốn tiết lộ những vấn đề riêng tư của mình cho người khác.

    Tôi gặp chị A đang trong tình trạng rất lo lắng và sợ mình sẽ bị lây nhiễm HIV khi chị tiếp xúc với những người đồng nghiệp. Chị A sinh năm 1978, làm chuyên viên huấn luyện trang điểm cho một hãng mỹ phẩm. Sự lo lắng của chị xuất hiện từ khi chị sử dụng chung dụng cụ nặn mụn của một người đồng nghiệp và bị chảy máu. Từ đó, chị A không còn cảm thấy thoải mái trong những dịp tiếp xúc với người khác, im lặng và giảm rõ rệt sự quan tâm đến chồng và con trai (02 tuổi). Khi tôi đề cập đến chuyện liệu có thể mời những người nhà của chị cùng đến không, phản ứng của chị ngay lập tức là từ chối và chị cho rằng điều đó không thể được, chị không muốn bất cứ ai trong gia đình nghĩ rằng mình có vấn đề về tâm lý. Chị chỉ mong đợi nhà trị liệu có cách nào đó để làm cho chị không còn lo sợ việc bị lây nhiễm HIV nữa.

    Trong 02 phiên trị liệu tiếp theo, tôi làm việc với cá nhân chị A nhưng theo cách tiếp cận hệ thống. Tôi tiến hành đặt các câu hỏi liên quan đến những mối quan hệ trong gia đình của chị A, nhất là mối quan hệ với chồng. Lúc đầu chị thường ngay lập tức gạt những câu hỏi đó sang bên và yêu cầu tôi hãy quan tâm đến những lo lắng của chị, còn những mối quan hệ trong gia đình của chị không có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, trong một tình huống thật sự không biết phải làm gì hơn nữa, tôi đã cố tình tỏ cho chị A thấy sự khó khăn của mình trong việc hỗ trợ chị, và đột nhiên chị nói rằng thật sự thì chị sợ chồng sẽ chán nếu biết rằng chị có vấn đề về tâm lý.

    Chị A cho biết chị là một người từ nhỏ sống theo những gì mẹ mình yêu cầu, lớn lên chị có rất ít bạn và chưa bao giờ cảm thấy yêu ai cả. Cho đến khi mẹ chị giới thiệu cho một người đàn ông lớn hơn chị 13 tuổi, có sự nghiệp và sống rất nghiêm túc, chị đã vui lòng theo lời giới thiệu của mẹ để lấy chồng. Tuy nhiên cũng từ khi đó, chị luôn lo lắng về việc nếu mình xấu đi thì chồng sẽ không còn yêu thương và chiều chuộng nữa.

Trong những trường hợp mà gia đình thể hiện sự sẵn sàng để cùng đến dự các phiên trị liệu chung cả gia đình, thật sự tôi cảm thấy rất thích nhưng cũng rất lo lắng. Thường phiên đầu tiên tôi tập trung để lắng nghe ý kiến của tất cả các thành viên trong gia đình về vấn đề của người có triệu chứng (một thành viên trong gia đình), sau đó tôi giải thích cho họ về phương pháp và cách thức làm việc, đặc biệt giải thích cho gia đình hiểu tại sao tôi muốn mời tất cả mọi thành viên cùng tham dự, và về tính hệ thống trong việc giải quyết vấn đề tâm lý…

Theo kinh nghiệm của tôi, thường có rất ít gia đình nắm rõ những vấn đề đã được giải thích, họ tỏ ra lắng nghe nhưng tôi có cảm giác rằng họ chỉ ngồi đó theo đề nghị, có thể là vì ngại từ chối lời đề nghị của nhà trị liệu, trong những phiên trị liệu tiếp theo, tất cả những thành viên trong gia đình, và rõ nhất là cha mẹ thường có những câu phát biểu kiểu như điều họ quan tâm duy nhất là nhà trị liệu phải làm sao để con họ khỏi bệnh, còn những vấn đề trong các mối quan hệ thì họ cho rằng không ảnh hưởng gì đến chuyện thân chủ đang gặp phải (vì những người anh, người em của thân chủ không hề có vấn đề gì cả).

Tôi đã để mọi chuyện diễn ra như vậy một cách tự nhiên và nghĩ rằng dần dần những vấn đề trong các mối quan hệ sẽ được bộc lộ và giải quyết, tuy nhiên, ngay lúc đó lại xuất hiện một trở ngại rất lớn là thời gian trị liệu. Tôi có thể khẳng định là việc duy trì sự có mặt của các thành viên trong gia đình trong những phiên trị liệu một cách thường xuyên và lâu dài (trên 03 phiên) là vô cùng khó khăn và thậm chí là không thể, chẳng hạn việc sắp xếp phiên trị liệu vào giờ mà mọi thành viên đều có thể tham dự là rất khó. Có những lý do như sau: 1). Người nhà, nhất là cha mẹ thường nghĩ rằng họ có mặt như thế là đủ rồi, tất cả những thông tin gì của đứa con họ đã nói tất cả, và bây giờ chỉ là nhiệm vụ của nhà trị liệu; 2). Nhiều gia đình cảm thấy khó khăn khi những vấn đề của thân chủ có nguy cơ đụng đến những vấn đề riêng tư và cũng chính là những vấn đề khó khăn của họ; 3). Những thành viên trong gia đình cho rằng việc gặp một cách riêng tư thân chủ là tốt nhất, vì như vậy người đó sẽ dễ dàng bộc lộ hết những khó khăn của họ mà không phải e dè vì có những người nhà.

    Một lần tôi được giới thiệu một cậu thanh niên 18 tuổi, theo mô tả của gia đình thì cậu ta là một người không làm được việc gì cho ra hồn, không nhớ được những nhiệm vụ hằng ngày phải làm… và nhờ nhà trị liệu giúp để làm sao cậu ta có thể hữu ích và thông minh hơn. Trong phiên đầu tiên, tôi tiếp xúc với cậu thanh niên và mẹ của cậu ta. Người mẹ đã nói với tôi sau khi đã được nghe giải thích về liệu pháp hệ thống và việc gặp tất cả mọi thành viên trong gia đình là rất hữu ích để giúp cho đứa con: “Tôi nghĩ vấn đề có lẽ là do ba của nó từ hồi nhỏ thường cho rằng nó là đứa trẻ chậm phát triển, không bằng thằng em, không làm được việc gì cả”.

    Theo lời mời của tôi, phiên trị liệu thứ 2 có đầy đủ cả gia đình gồm cha, mẹ, dì (em ruột mẹ, sống cùng với gia đình từ khi thân chủ còn nhỏ), và em trai. Người cha thể hiện là một người có uy quyền trong gia đình và cũng thường xuyên nói với tôi rằng: “Thằng này từ nhỏ nó đã rất chậm rồi, tôi nghĩ là thần kinh của nó có vấn đề vì lúc mới sinh phải dùng nhiều thuốc mê do phải mổ 03 lần để trị bệnh tim. Tôi chỉ mong sao anh giúp tập cho nó có thể nhớ được những công việc hằng ngày tôi giao nó làm thôi”.

    Trong suy nghĩ của người cha, ông mong chờ nhà trị liệu có một cách nào đó để làm cho đứa con ông thay đổi, cụ thể là trở nên hữu ích hơn, và đó là công việc của nhà trị liệu chứ không hề có liên quan gì đến mối quan hệ của ông. Chính cách suy nghĩ đó đã làm cho người cha không tiếp tục đến cùng trong những phiên trị liệu tiếp theo.

    Người mẹ hầu như không nói gì trong suốt cả phiên trị liệu ngoài việc an ủi và xin lỗi đứa con là nhiều lúc đã la mắng mà không thông cảm với những khó khăn của con. Bà tỏ ra rất xúc động khi tôi hỏi thân chủ là em cảm thấy thế nào khi có cả gia đình ở đây. Thân chủ đã trả lời là cũng không có gì đặc biệt, tuy nhiên thấy thoải mái hơn vì đây là lần đầu tiên em được ngồi nói chuyện với cha mẹ một cách nghiêm túc. Người dì và em trai đưa ra những nhận xét về những hành vi hay quên của thân chủ, và cho rằng, thân chủ cố tình không nhớ những nhiệm vụ hằng ngày chứ không phải là có vấn đề gì về thần kinh.

    Sau đó cả 02 phiên trị liệu tiếp theo đều không có mặt người cha và em trai, người mẹ cũng đến được vài lần nữa và sau đó không đến vì bận việc buôn bán. Đến phiên thứ 6 thì người mẹ gọi điện thoại cho tôi và thông báo là thân chủ sẽ tạm ngưng một thời gian vì lúc này phải phụ giúp cho công việc làm ăn của gia đình nhiều, sau Tết em sẽ đến lại. Tuy nhiên, sau Tết dù có một lần hẹn nhưng không thấy thân chủ đến, gia đình có cho biết là thân chủ không muốn đến nữa vì thấy cũng không có vấn đề gì trầm trọng.

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân lớn dẫn đến việc những thành viên trong gia đình không tham dự là sự không dứt khoát, thiếu vững vàng, và cả việc những vấn đề của thân chủ gợi lên một sự khó chịu nơi nhà trị liệu. Đôi khi trong những trường hợp gia đình có quá nhiều vấn đề phức tạp, tự nhiên tôi có một cám dỗ là phải làm sao để chỉ gặp riêng thân chủ thôi, chứ nếu gặp cả gia đình thì chắc chẳng làm gì được. Chính những lý do như vậy đã vô tình làm cho những thành viên trong gia đình cảm thấy không nhất thiết phải dự những phiên trị liệu chung.

    Chị B, 26 tuổi, gặp tôi trong một tâm trạng buồn chán và cảm thấy bế tắc. Chị có một người bạn trai từ khi hai người còn học trung học. Cách đây 04 tháng khi hai người bàn tính chuyện hôn nhân thì gia đình người bạn trai không chấp nhận vì cho rằng hai người cùng tuổi với nhau nên nếu cưới nhau thì một trong hai người sẽ bị chết bất đắc kỳ tử. Bạn trai chị là một người lâu nay thường nghe lời mẹ, anh không dám phản đối ý kiến của mẹ nhưng cũng không muốn chia tay với chị B.

    Về phương diện cá nhân, điều duy nhất tôi có thể giúp được chị B là một sự thông cảm và gợi cho chị một chút hy vọng về khả năng giải quyết vấn đề. Khi tôi đề cập đến chuyện mời những thành viên trong gia đình cùng đến thì cũng đồng thời trong tôi xuất hiện cảm giác không muốn những thành viên trong gia đình chị B đến. Có một cảm giác về sự khó khăn và dường như tôi không tin tưởng về khả năng giải quyết vấn đề của chị B.

Thật ra, vấn đề của chị B đã gợi trong tôi một cảm giác khó chịu về những tình huống mà gia đình can thiệp một cách quá đáng vào những quyết định riêng tư của đứa con. Một cảm giác khó chịu khác là tôi cảm thấy người bạn trai của chị B là một người quá thiếu bản lĩnh khi thể hiện một sự quá lệ thuộc vào người mẹ của mình.

2. Sơ đồ phả hệ
3. Kỹ thuật ẩn dụ

Một bình luận to “KINH NGHIỆM ÁP DỤNG LIỆU PHÁP TÂM LÝ GIA ĐÌNH (1)”

  1. […] Minh Uy 1. Những phiên trị liệu cho cả gia đình 2. Sơ đồ phả hệ (Genogram) Tôi thường sử dụng công cụ sơ đồ phả hệ như […]

Bình luận về bài viết này