THAM VẤN TÂM LÝ

The Vietnamese blog of Counseling Psychology

THAM VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG (1)

Posted by Ngo Minh Uy trên 15/07/2008

THAM VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG, LỊCH SỬ VÀ PHÁT TRIỂN
Ngô Minh Uy

A. Đôi nét về lịch sử
1. Thế giới

Tham vấn tâm lý học đường (School Counseling) hay còn gọi là tham vấn học đường là một nhánh của ngành tham vấn tâm lý được xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 tại Hoa Kỳ. Jesse B. Davis có thể được xem là một trong những người đầu tiên trong lĩnh vực này khi giới thiệu một chương trình “Những hướng dẫn về nghề nghiệp và đạo đức” (Vocational and Moral Guidance) cho học sinh các trường học công. Frank Parsons, được xem như cha đẻ của nghề Hướng dẫn (còn gọi Khải đạo), đã viết cuốn sách “Chọn lựa một nghề ” (Choosing a Vocation) vào năm 1909 qua đó trình bày phương pháp kết nối những đặc điểm tính cách của một cá nhân với một nghề nghiệp. Jesse Davis, Frank Parsons, Eli Weaver và nhiều người khác nữa đã tạo thành một trào lưu thúc đẩy cho sự phát triển của ngành tham vấn học đường.

Thế chiến thứ nhất, xuất hiện nhu cầu đánh giá (trắc nghiệm) các cá nhân, từ lúc này thuật ngữ nhà tham vấn (counselor), thường được đề cập như là những chuyên gia làm việc với những người trầm cảm, đã bắt đầu trở thành một phần trong từ điển của các nhà giáo dục.

Thế chiến thứ hai kết thúc với những hậu quả nặng nề làm nảy sinh một nhu cầu rất lớn về các trắc nghiệm tâm lý và nó đã tác động một cách trực tiếp đến hoạt động khải đạo trong trường học. Cũng vào thời gian thế chiến thứ hai này, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra yêu cầu cho các nhà tham vấn làm công việc sàng lọc, tuyển chọn các quân nhân và những chuyên gia cho các ngành công nghiệp.
Những năm 1930, lý thuyết đầu tiên về Khải đạo được giới thiệu: Lý thuyết về các nhân tố và đặc điểm của E. G. Williamson, (E. G. Williamson’s Trait and Factor theory). Lý thuyết này trở nên nổi tiếng như là một sự chỉ đạo cho hoạt động tham vấn.

Năm 1940, đạo luật George Barden (George Barden Act) – đạo luật về giáo dục hướng nghiệp – ra đời đã mang lại những nguồn lực quan trọng cho sự phát triển và hỗ trợ hoạt động khải đạo và tham vấn trong môi trường học đường cũng như những môi trường khác. Đây là lần đầu tiên những nhà tham vấn học đường, những kiểm huấn viên địa phương và các tiểu ban nhận được những sự hỗ trợ chính thức từ chính phủ (sự điều hành, tài chính và nguồn nhân lực…)

Năm 1957, năm mà vệ tinh Sputnik của Nga được phóng vào quỹ đạo cũng là thời điểm mà ngành tham vấn và khải đạo được “phóng lên”. Tiếp theo đó, đạo luật Nat’l Defense Ed. Act (NDEA) ra đời năm 1958. Có thể tham khảo đạo luật này tại đây. Đạo
luật NDEA tập trung vào hai vấn đề: 1). Cung cấp những nguồn lực để các bang thiết lập và duy trì các hoạt động tham vấn, trắc nghiệm và khải đạo trong trường học; 2). Ủy quyền và cho phép các trường cao đẳng và đại học thiết kế các chương trình đào tạo tham vấn học đường

Năm 1953, hiệp hội các nhà tham vấn tâm lý học đường Hoa Kỳ (ASCA) tham gia vào APGA (American Personnel and Guidance Association), tiền thân của hiệp hội tham vấn tâm lý Hoa Kỳ ACA (American Counseling Association) ngày nay. Năm 1962, cuốn sách của Wrenn, Nhà tham vấn trong một thế giới thay đổi (The Counselor in a Changing World) đã định chế hóa các mục tiêu của tham vấn học đường. Năm 1964, ASCA phát triển các vai trò và chức năng dành cho các nhà tham vấn học đường

Năm 1965, đạo luật Giáo dục Tiểu học và Trung học (Elementary and Secondary Education Act) ra đời và cung cấp nguồn quỹ để phát triển những cơ hội giáo dục cho những gia đình nghèo. Đến những năm 80s và 90s, nhu cầu về việc làm rõ những đặc tính và vai trò của nhà tham vấn học đường được xuất hiện với sự “chín muồi” của những vấn đề pháp lý liên quan.

Năm 1997, Tiêu chuẩn quốc gia dành cho các chương trình tham vấn học đường (National Standards for School Counseling Programs) ra đời và kể từ đó, ngành tham vấn học đường được xem là đã hoàn thiện.

Hiện nay, hiệp hội các nhà tham vấn học đường Hoa Kỳ (ASCA) được xem là nguồn tham khảo và kiểu mẫu cho các chương trình tham vấn tâm lý học đường của hầu hết các nước trên thế giới. ASCA hiện tại có hơn 23.000 hội viên trên toàn thế giới và là một phân hội của ACA với hơn 60.000 hội viên trên toàn thế giới.

2. Việt Nam
Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, chương trình khải đạo học đường đã được triển khai trong các trường học. Sau ngày thống nhất đất nước, với sự thay đổi gần như hoàn toàn cách thức tiếp cận của giáo dục, chương trình khải đạo đã không còn tồn tại trong các trường học với đúng nghĩa của nó.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, với sự xuất hiện hàng loạt những vấn đề liên quan đến đạo đức, kỷ luật trường học, học sinh tự tử, áp lực thi cử, những rối loạn tâm lý, quan hệ thầy trò… của các trường học Việt Nam, những nhà giáo dục, tâm lý và cùng những tổ chức và các cơ quan hữu trách đã “giật mình” và bắt đầu đề cập đến việc phải có các hoạt động tham vấn tâm lý trong trường học.

Từ khoảng năm 2000, nhiều trường học tại Tp. HCM như trường Khánh Hội A – quận 4, Nguyễn Gia Thiều – quận Tân Bình, Diên Hồng – quận 10, Trương Công Định, Phú Mỹ – quận Bình Thạnh, Mạc Đỉnh Chi – quận 6 và rất nhiều trường khác nữa… đã chủ động phối hợp với các chuyên viên tâm lý và các tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các chương trình tham vấn học đường cho học sinh.

Năm 2003, hội thảo “Nhu cầu tư vấn học đường tại Tp. HCM” được Viện Nghiên cứu Giáo dục, trường ĐHSP Tp. HCM tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà tâm lý, giáo dục và hiệu trưởng các trường có hoạt động tham vấn học đường để “mổ xẻ” và kêu gọi sự quan tâm của giới chuyên môn cũng như các cơ quan chính phủ trong việc có các chiến lược nhằm phát triển hoạt động tham vấn học đường tại Việt Nam. Cũng trong thời gian này, một vài sinh viên khoa Tâm lý – Giáo dục trường ĐHSP TP. HCM đã chọn đề tài cho luận văn tốt nghiệp của mình về vấn đề tham vấn học đường. Những “sự kiện” này được xem là những bước khởi đầu cho nhiều sự thay đổi tiếp theo của ngành tham vấn học đường tại Việt Nam.

Năm 2004, Trung tâm Hỗ trợ tư vấn tâm lý (CACP) thuộc trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội được thành lập và cũng đề cập đến hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ hoạt động tham vấn học đường.

Năm 2005, với sự chấp thuận của Ủy ban Dân số – Gia đình – Trẻ em TP. HCM và sự hỗ trợ của UNICEF, Văn phòng tư vấn trẻ em Tp. HCM đã tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm bước đầu thực hiện mô hình tham vấn trong trường học” cũng nhận được sự quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm thực tế của nhiều chuyên gia và những nhà lãnh đạo các trường học. Đầu năm 2006, hội nghị toàn quốc về “Tư vấn tâm lý – giáo dục – thực tiễn và định hướng phát triển” do Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Tp. HCM tổ chức cũng đề cập đến vấn đề tham vấn học đường như là một điều “khẩn thiết” nhằm hỗ trợ học sinh và nhà trường trong hoạt động giáo dục. Sở Giáo dục – Đào tạo Tp. HCM cũng tổ chức những buổi sinh hoạt đề cập đến hoạt động tư vấn học đường trong thời gian này với sự tham gia của các nhà tâm lý, giáo dục, nhà trường và phụ huynh học sinh

Trong khoảng thời gian này, một văn bản của Bộ Giáo dục đã được ban hành nhằm chỉ đạo và hướng dẫn các Sở và trường học cùng những tổ chức liên quan trong việc triển khai thực hiện chương trình tham vấn học đường.

Ngoài ra, chuyên mục tham vấn học đường do báo Phụ nữ Tp. HCM khởi xướng (ThS. Nguyễn Thị Oanh phụ trách) cũng nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của đông đảo học sinh, phụ huynh và các trường học. Tháng 06 năm 2006, cuốn sách “Tư vấn tâm lý học đường” của tác giả Nguyễn Thị Oanh đã được nhà xuất bản Trẻ phát hành trên toàn quốc.

Đến nay, vấn đề tham vấn học đường tại Việt Nam đã trở thành một đề tài nóng bỏng và nhận được nhiều sự ủng hộ từ các em học sinh, phụ huynh, nhà trường, các nhà tâm lý – giáo dục và các tổ chức thuộc chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, diện mạo của một ngành nghề chuyên nghiệp vẫn chưa thật sự được định hình.

(Còn tiếp phần 2 tại đây)

_________________________________

Bài viết này đăng trong Kỷ yếu hội thảo khoa học “Hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên” do Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục tỉnh Đồng Nai tổ chức tại Bệnh viện Tâm thần Trung Ương II, Biên Hòa ngày 18/ 12/ 2007.

4 bình luận to “THAM VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG (1)”

  1. […] VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG (2) Posted on July 15, 2008 by Ngo Minh Uy Tiếp theo Tham vấn tâm lý học đường (1) và […]

  2. huyen said

    ở lớp em thường bị các bạn ghét bỏ, nhất là bọn con trai. Còn bọn con gái thì nói xấu. Em phải làm sao đây mặc dù em đã muốn hòa nhập với tụi nó cũng không được

  3. chao ban!
    toi co the hieu duoc hoan canh va tam trang cua ban. Va toi rat mung vi ban da thu co gang de lam minh dep hon trong mat cac ban cung lop cua minh. dieu do la rat tot ban a!
    toi khong biet van de cua ban da tim ra huong giai quyet hoac da ket thuc chua nhung toi van muon duoc chia se cung ban van de nay>
    ong cha minh van co cau “tien trach ky, hau trach nhan” (truoc thi nen xem xet(trach)chinh minh, sau do thi moi nen trach nguoi). toi nghi ban da tung dat cau hoi minh co cai gi ma cac ban lai cu xu voi minh nhu vay (du minh da co gang hoa dong voi cac ban ay rui).(HIHI, Di nhien minh ko the tra loi het duoc dung ko?)
    Sau do thi ban nen den va hoi 1 ban nam va 1 ban nu “binh thuong” nao do trong lop cua ban bang thai do rat rat cau thi rang : ban co the giup toi bang viec tra loi cho toi cau hoi “vi sao mot so ban trong lop lai khong thich choi va noi xau toi?” hay “ban thay toi co nhung tat xau nao can phai sua chua?” Nhu vay toi nghi ban se nhan duoc cau tra loi rat that long tu 2 nguoi ban do day.
    cong viec sau do thi ban se de giai quyet hon voi cac ban khac khi minh da biet ro nguyen nhan.
    neu minh sai cho nao thi sua cho do, cac ban cua ban se nhan ra dieu do va se nhin ban khac hon
    con neu cac ban cua ban sai thi ban cung nen “that nhe nhang” dai bay oan uc cua minh cho cac ban hieu.
    NHUNG DIEU QUAN TRONG HON LA “minh can tap trung hoc that tot” ban nhe!
    CHUC BAN LUON VUI VE!
    letunglawswd@gmail.com – khoa xa hoi hoc va cong tac xa hoi – DH, DA LAT

  4. Huỳnh Miêu Du said

    em muốn xin tài liệu bản gốc của bài viết này được không ạ. Em là sinh viên đại học y dược em đang làm về đề tài tư vấn tâm lý học đường mong ban biên tập giúp đỡ ạ.

Gửi phản hồi cho Huỳnh Miêu Du Hủy trả lời